Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Trao đổi thêm về tên gọi “Pleiku” (Gia Lai)




Nhân đọc bài “Pleiku dưới góc nhìn lịch sử địa danh” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, tôi xin đưa ra thêm giả thuyết về nguồn gốc của cái tên “Pleiku” để mọi người cùng bàn luận.
Bài viết có đưa ra hai truyền thuyết về cái tên “Pleiku”. Cả hai truyền thuyết này đều có kết luận “Pleiku” có nghĩa là “làng đuôi”. Đó chỉ là truyền thuyết và truyền thuyết này chắc rằng có sau cái tên “Pleiku”. Bởi nếu nghiên cứu kỹ ta thấy cả hai truyền thuyết này đều chưa thuyết phục về nguồn gốc, vì người Jrai không đặt tên làng theo sự kiện mà chỉ đặt theo tên sông, núi, phương hướng, cây cối... hoặc theo tên người lập làng.
Đường phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Đường phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, có một chi tiết có thể làm căn cứ đưa ra một giả thuyết về cái tên “Pleiku” thuyết phục hơn: “Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr”. 
Phân tích cách viết tên “Plei-Kou-Derr”, tên “Pleiku” ngày nay là được viết từ việc biến đổi cách viết “Plei-Kou”. Còn cái đuôi “Derr”, tra từ điển Pháp-Việt, không có từ “Derr”. Như vậy, “Derr” ở đây chính là một yếu tố của từ tiếng Jrai. Cái tên “Plei-Kou-Derr” có thể đây chính là từ “Plơi Kơdưr” được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.
“Plơi” tiếng Jrai nghĩa là “làng”. Còn “Kơdưr” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “hướng Bắc”, nghĩa thứ hai là “trên cao”. Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jrai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jrai. Như vậy, “Plơi Kơdưr” nghĩa là “làng Bắc” hoặc “làng thượng” (trên cao). Về việc phiên tự “Kơ” thành “Kou” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ơ” như ngày nay nên người ta dùng hai ký tự “ou” để đọc là “ơ”. Còn “Dưr” được viết thành “Derr” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ư” nên viết thành “e”.
Theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 24-5-1925, địa lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay. Từ làng gốc Pleiku, sau này còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Ngó, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang… 
Về gốc gác cái tên Plei Ku Roh (hiện nay là khối phố 50, phường Yên Đổ), xưa kia làng này ở tại Trung tâm Thương mại Pleiku hiện nay (khu đường Hai Bà Trưng). Đến thời Pháp thuộc, có một đồn lính Pháp bên cạnh làng. Mỗi khi có đám tang hoặc lễ hội thì dân làng lại mang chiêng trống ra đánh thâu đêm suốt sáng. Không chịu được, lính Pháp đã gây sự với dân làng. Để tránh sự quấy rối của Pháp, dân làng đã dời làng đến chỗ ở ngày nay với cái tên là Plei Ku Roh. “Roh” trong tiếng Jrai là “ngoài biên”, đặt tên “Plei Ku Roh” vì làng đã được dời ra ngoài.
Một số hộ chuyển đến ở phía Đông của làng cũ nên đặt tên làng là “Plei Ku Ngó”. “Ngó” trong tiếng Jrai là “phía Đông”. Còn cái tên làng “plơi Ku Tong, plơi Ku Blang, plơi Ku Jut”, thì “Tong” được nói tắt từ “Tong yong” có nghĩa là “trung tâm”, “ở giữa”; “Blang” có nghĩa là “cây gạo”; “Jut” có nghĩa là “cây trúc”.
Kpă Pual (Phó Trưởng ban Giáo dục Dân tộc, Sở GD-ĐT Gia Lai)
Nguồn: http://www.baogialai.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét