Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Trao đổi thêm về tên gọi “Pleiku” (Gia Lai)




Nhân đọc bài “Pleiku dưới góc nhìn lịch sử địa danh” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, tôi xin đưa ra thêm giả thuyết về nguồn gốc của cái tên “Pleiku” để mọi người cùng bàn luận.
Bài viết có đưa ra hai truyền thuyết về cái tên “Pleiku”. Cả hai truyền thuyết này đều có kết luận “Pleiku” có nghĩa là “làng đuôi”. Đó chỉ là truyền thuyết và truyền thuyết này chắc rằng có sau cái tên “Pleiku”. Bởi nếu nghiên cứu kỹ ta thấy cả hai truyền thuyết này đều chưa thuyết phục về nguồn gốc, vì người Jrai không đặt tên làng theo sự kiện mà chỉ đặt theo tên sông, núi, phương hướng, cây cối... hoặc theo tên người lập làng.
Đường phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Đường phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, có một chi tiết có thể làm căn cứ đưa ra một giả thuyết về cái tên “Pleiku” thuyết phục hơn: “Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr”. 
Phân tích cách viết tên “Plei-Kou-Derr”, tên “Pleiku” ngày nay là được viết từ việc biến đổi cách viết “Plei-Kou”. Còn cái đuôi “Derr”, tra từ điển Pháp-Việt, không có từ “Derr”. Như vậy, “Derr” ở đây chính là một yếu tố của từ tiếng Jrai. Cái tên “Plei-Kou-Derr” có thể đây chính là từ “Plơi Kơdưr” được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.
“Plơi” tiếng Jrai nghĩa là “làng”. Còn “Kơdưr” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “hướng Bắc”, nghĩa thứ hai là “trên cao”. Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jrai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jrai. Như vậy, “Plơi Kơdưr” nghĩa là “làng Bắc” hoặc “làng thượng” (trên cao). Về việc phiên tự “Kơ” thành “Kou” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ơ” như ngày nay nên người ta dùng hai ký tự “ou” để đọc là “ơ”. Còn “Dưr” được viết thành “Derr” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ư” nên viết thành “e”.
Theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 24-5-1925, địa lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay. Từ làng gốc Pleiku, sau này còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Ngó, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang… 
Về gốc gác cái tên Plei Ku Roh (hiện nay là khối phố 50, phường Yên Đổ), xưa kia làng này ở tại Trung tâm Thương mại Pleiku hiện nay (khu đường Hai Bà Trưng). Đến thời Pháp thuộc, có một đồn lính Pháp bên cạnh làng. Mỗi khi có đám tang hoặc lễ hội thì dân làng lại mang chiêng trống ra đánh thâu đêm suốt sáng. Không chịu được, lính Pháp đã gây sự với dân làng. Để tránh sự quấy rối của Pháp, dân làng đã dời làng đến chỗ ở ngày nay với cái tên là Plei Ku Roh. “Roh” trong tiếng Jrai là “ngoài biên”, đặt tên “Plei Ku Roh” vì làng đã được dời ra ngoài.
Một số hộ chuyển đến ở phía Đông của làng cũ nên đặt tên làng là “Plei Ku Ngó”. “Ngó” trong tiếng Jrai là “phía Đông”. Còn cái tên làng “plơi Ku Tong, plơi Ku Blang, plơi Ku Jut”, thì “Tong” được nói tắt từ “Tong yong” có nghĩa là “trung tâm”, “ở giữa”; “Blang” có nghĩa là “cây gạo”; “Jut” có nghĩa là “cây trúc”.
Kpă Pual (Phó Trưởng ban Giáo dục Dân tộc, Sở GD-ĐT Gia Lai)
Nguồn: http://www.baogialai.com.vn/

Pleiku dưới góc nhìn lịch sử địa danh



"Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn… "

Pleiku hiện là tên của một trong hai cao nguyên rộng lớn nhất Tây Nguyên, đồng thời cũng là tên của thành phố tọa lạc trên chính cao nguyên này, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Bắc Tây Nguyên. Địa danh có nguồn gốc từ tên của một làng Jrai (plơi Aku). Trong tiếng Jrai, aku có nghĩa là cái đuôi, vì nguyên âm a đứng trước một phụ âm là âm câm, nên khi đọc nó không được thể hiện. Đến nay, mặc dù viết là Pleiku nhưng địa danh này vẫn được thống nhất hiểu là có nguồn gốc từ plơi Aku tức làng Đuôi.
Hiện, địa danh Pleiku được viết nhiều cách khác nhau. Ngoài cách viết quen thuộc làPleiku như trong các văn bản từ thời thuộc Pháp, dưới chính quyền Sài Gòn (VNCH) và hiện địa phương vẫn sử dụng; còn có cách viết theo phiên âm tiếng Việt là Plây Cu; cũng có người đề nghị viết tách ra là Plei Ku với lý giải Plei là làng, Ku là cái đuôi. Trong logic lịch sử ngôn ngữ tộc người thì cách viết này không phù hợp. Vì plei / pơlei là danh từ chung chỉ làng của người Bahnar, mà bộ phận dân cư chủ yếu trên cao nguyên Pleiku lại là người Jrai, mà người Jrai thì lại gọi làng của mình là plơi chứ không phải là plei; có ý kiến đề nghị cách viết Plơi Aku nhưng không phổ biến.

Lần giở lịch sử ta biết: Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: đem vùng miền núi phía tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr tỉnh lỵ đặt tại làng Jrai Pleikou. 
Nhưng gần 2 năm sau đó, Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907 đã xoá tỉnh Plei-Kou-Derr. Đất đai của tỉnh này được chia 2 phần, một phần nhập vào tỉnh Bình Định, một phần nhập vào tỉnh Phú Yên.
Theo Nghị định Toàn quyền ngày 24-5-1925, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Ngày 03-12-1929 theo Nghị định Khâm sứ Trung kỳ, thị xã Pleiku đã được thành lập. Gần 3 năm sau đó, ngày 24-5-1932 và ngày 4-03-1933 Nghị định Toàn quyền tiếp tục tách phần đất thuộc đại lý Pleiku cũ (thuộc tỉnh Kon Tum) để thành lập tỉnh Pleiku.
Ngày 27-7-1953 Nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam(VNCH) đặt trung tâm các tỉnh thuộc Hoàng triều cương thổ phía Nam (các tỉnh thuộc Tây Nguyên hiện nay - TG chú thích) thành thị trấn. Pleiku cùng Dran, Djiring, Blao, Ban Mê Thuật, Kon Tum đều là thị trấn.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) chính quyền Sài Gòn vẫn lấy Pleiku làm tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên.
Ngày 26-01-1957 Nghị định số 27-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ VNCH bãi bỏ nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, các thị trấn được đổi thành xã, thị xã Pleiku trở thành xã Pleiku .
Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Pleiku vẫn được gọi là thị xã, nhưng nằm trong xã Hội Thương - Hội Phú . Từ năm 1962, chính quyền Sài Gòn mới quy hoạch mở rộng thị xã này.
Như vậy: Từ năm 1932-1975, dưới thời thuộc Pháp cũng như chính quyền Sài Gòn, Pleiku là tên tỉnh, đồng thời có giai đoạn là tên thị trấn, thị xã nhưng trực thuộc xã (chứ không phải là cấp hành chính thị xã tương đương quận, huyện hiện nay) và luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku.
Sau tháng 3 năm 1975, Pleiku là tên thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai (trước và sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum), và tỉnh Gia Lai - Kon Tum (trong thời gian nhập tỉnh 1976-1991). 
Ngày 24-4-1999 theo Nghị định số 29/NĐ của Chính phủ, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai.
Theo Quyết định số: 249/QĐ-TTg, ngày 25-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại II. Đây là đô thị trung tâm của Bắc Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng với diện tích hơn 26.000 ha, dân số hơn 236.000 người thuộc 28 dân tộc.

Về nguồn gốc địa danh Pleiku, hiện có 2 truyền thuyết:
 Truyền thuyết thứ nhất do Rơmah Del sưu tầm và dịch: 
Ngày xưa ở làng Brel có 2 gia đình gả con cho nhau. Theo đúng tục lệ của người Jrai, sau khi lấy vợ, người chồng phải về ở rể suốt đời nên khi làm lễ cưới cô dâu phải lo mọi lễ vật.
Cưới được mấy hôm, cô dâu phải làm lễ tạ ơn cha mẹ chồng. Nàng giết một con lợn rất to và một con trâu đực. Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn. Khi bày lễ vật ra cúng, không có đuôi lợn, người nhà lật đật xuống dưới gọi lũ thanh niên giết lợn khác. Nhưng cũng như lần trước, lần này vì quá đói chúng lại ăn mất cái đuôi. Cứ như thế, lục đục mãi đến tối buổi lễ mới bắt đầu.
Để trừng phạt lũ thanh niên đã ăn vụng đuôi lợn, già làng đặt tên làng này là plei Ku nghĩa là “cái đuôi” với dụng ý mỗi khi gọi đến tên làng thì bọn thanh niên phải xấu hổ vì hành động của mình.
Từ làng gốc đó, sau này plei Ku còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang…
 Truyền thuyết thứ hai (do  Ty Thông tin tỉnh Pleiku (VNCH) sưu tầm và công bố vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX):
Nhân một ngày hội lớn, người Jrai quần tụ quanh nhà rông để tộc trưởng cúng yang. Giữa lúc dân làng đang vui mừng nhảy múa quanh con trâu cúng yang, thì xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 con trai tộc trưởng. Họ tranh nhau cái đuôi trâu, bởi theo phong tục của người Jrai, nếu ai chiếm được đuôi trâu để tế Trời - Đất là một vinh dự lớn.
Cuối cùng, người chiếm được đuôi trâu được lưu lại vùng đất này và đặt tên làng là Aku (cái đuôi) với dụng ý đề cao chiến thắng của mình. Người không chiếm được đuôi trâu phải dạt đi, lập các làng mới.
Chúng tôi thiên về cách giải thích theo truyền thuyết thứ hai. Vì trên thực tế, các địa danh thường đề cao uy danh của cộng đồng, chứ không mấy khi gắn với những nguồn gốc bất lợi cho uy tín của bộ phân cư dân chủ thể.
Pleiku đã trở thành một địa danh tồn tại độc lập suốt gần một thế kỷ. Dù bắt đầu từ nghĩa gốc plơi Aku tức là làng đuôi, nhưng đến nay Pleiku đã được chấp nhận như một tên riêng và mang tải những giá trị riêng của nó. Lịch sử luôn vận động, mà lịch sử của các địa danh cũng không là ngoại lệ. Vậy hãy để cái tên Pleiku đã gắn với cả quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này được tồn tại như nó đã tồn tại với tư cách là một địa danh - một tên riêng, với những giá trị lịch sử - văn hóa riêng chứ không đơn thuần chỉ được hiểu với nghĩa “Làng Đuôi”.
  Nguyễn Thị Kim Vân
Theo pleikucafe

Pleiku - Xanh thông



Tôi đi học xa. Mấy năm sau trở về, bên đường Lê Lợi không còn thông, các khu khác thông cũng vợi đi từng mảng. Hụt hẫng chới với như vật báu gì của mình bị mất. Pleiku lên thành phố, hàng muồng hoa vàng bên đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ ra đi. Bao nhiêu chỗ đất của thông nhường chỗ cho nhà lầu, khu vui chơi, khách sạn… 

Đường Trần Hưng Đạo là con đường đẹp nhất nhì của Pleiku (đường Trịnh Minh Thế, trước 1975). Ngày trước, hai bên đường toàn cây cổ thụ tán giao nhau, quanh năm tỏa bóng. Mỗi lúc đi qua con đường ấy, có cảm giác như đang chui vào một cái hang xanh rợp mát. Mỗi mùa đường Trần Hưng Đạo lại có một vẻ đẹp riêng. Thích nhất là mùa hoa vàng rụng như tấm thảm trên mặt đường. Đầu mùa mưa - hơi sợ một chút - nhiều sâu lắm, sâu cong mình bò lổm ngổm trên đất, sâu đánh đu trên những sợi tơ lơ lửng ngay tầm mắt người đi đường. Nắng lên, những chú sâu ấy lại hóa đàn đàn lũ lũ bướm vàng nô giỡn tung tăng, đậu cả lên cổ lên vai khách bộ hành.
Thông non bên đường Trần Hưng Đạo hôm nay. Ảnh: pleikucafe.com

Tôi đã lớn lên ở cái thị xã  cao nguyên nhỏ bé rợp bóng cây xanh này. Muồng  hoa vàng, khuynh diệp,… cây nào cũng vạm vỡ, phóng khoáng, tràn trề. Nhưng nhiều nhất vẫn là thông, yêu nhất vẫn là thông. Thông vi vút khắp nơi. Nhà cửa, đường đi êm đềm nép dưới bóng thông - những  cây thông to lớn, vững chãi và kiêu hãnh. Bọn trẻ chúng tôi tha thẩn dưới gốc thông, nhặt lá thông ngồi tết như tết tóc, nhặt quả thông rụng làm con công con gà, cái hoa cái nụ mà chơi, nhìn quả chi chít trên cành ước gì nó ngọt mềm. Chiều tà chỉ nhau ngóc cổ nhìn đám sương tím mờ giăng mắc giữa tán thông xanh, đến mùa thông thắp nến thì tranh nhau xí cây thông có dàn nến đẹp, mơ màng tưởng tượng bữa dạ tiệc thần tiên của những người khổng lồ thắp sáng bằng những búp thông non, mặc kệ bên lề đường những bóng người nhỏ bé lặng lẽ quét lá thông về đun nấu. Không phải đứa nào trong đám trẻ ngày xưa cũng được học hành đến nơi đến chốn, nhưng đứa nào lớn lên cũng có chút vốn liếng đời sống tâm hồn, lưu lạc đến góc bể chân trời nào cũng tha thiết yêu cái thị xã êm đềm thuở nhỏ. Phải chăng một phần nhờ những hàng thông? Đọc sách biết rằng cây thông có khả năng sát trùng, thanh lọc không khí rất tốt. Thảo nào ở gần thông thấy dễ chịu đến thế. Cái màu trời xanh trong suốt, dịu lành êm ái đặc biệt của Pleiku xưa có phải một phần cũng nhờ những hàng thông?
Nhiều biệt thự đẹp đang mọc lên giữa các rừng thông thuộc khu vực du lịch… Măng Đen - Kon Tum. Ảnh: pleikucafe.com

Hàng xóm nhà tôi có nghề cưa cây, sân nhà bác ấy khi nào cũng có những khúc gỗ thông rất lớn. Chúng sẽ được chẻ ra làm củi ngo, bán từng bó nhỏ cho người ta nhóm bếp. Mùi gỗ thông từ sân nhà bác ấy tỏa ra khắp xóm, thành một thứ hương khó quên ướp thơm cả một quãng đời. Bác hàng xóm lấy thông từ nơi nào xa lắm và chẳng khi nào mong bán được nhiều củi ngo: “Bất đắc dĩ thì phải làm thôi, chứ chặt một cây thông tiếc đứt cả ruột. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt đấy”. Bao năm người Pleiku nhóm bếp củi ngo mà những cây thông trong phố của chúng tôi vẫn không hề mất.
Đà Lạt vốn được coi là xứ sở ngàn thông. Người Đà Lạt tự hào về những rừng thông chập chùng không dứt. Tôi đã cam đoan với người Đà Lạt bằng một niềm hãnh diện không cần giấu giếm rằng tìm khắp Đà Lạt cũng không thể có  những cây thông già hoành tráng, đẹp đẽ như những cây thông ba lá ở Pleiku.
Tôi đi học xa. Mấy năm sau trở về, bên đường Lê Lợi không còn thông, các khu khác thông cũng vợi đi từng mảng. Hụt hẫng chới với như vật báu gì của mình bị mất. Pleiku lên thành phố, hàng muồng hoa vàng bên đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ ra đi. Bao nhiêu chỗ đất của thông nhường chỗ cho nhà lầu, khu vui chơi, khách sạn… Pleiku của mình mà bỗng thành kẻ lạ. Vắng thông, Pleiku như cô thôn nữ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Rồi một ngày đẹp trời, nghe bảo thông đã được trồng lại, bao nhiêu người vui mừng. Có người ngày nào cũng đáo qua đường Trần Hưng Đạo rồi ra những thông báo cập nhật về thông bên bàn cà phê mỗi sáng. Một mùa mưa qua, những cây thông đã bén rễ xanh chồi, hàng thông nhỏ vẫn bồi hồi thắp nến. Pleiku đang lấy lại nét duyên riêng. Báu vật cao nguyên đang chậm rãi trở về.

Trương Lệ Hằng
Theo pleikucafe