Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Trao đổi thêm về tên gọi “Pleiku” (Gia Lai)




Nhân đọc bài “Pleiku dưới góc nhìn lịch sử địa danh” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, tôi xin đưa ra thêm giả thuyết về nguồn gốc của cái tên “Pleiku” để mọi người cùng bàn luận.
Bài viết có đưa ra hai truyền thuyết về cái tên “Pleiku”. Cả hai truyền thuyết này đều có kết luận “Pleiku” có nghĩa là “làng đuôi”. Đó chỉ là truyền thuyết và truyền thuyết này chắc rằng có sau cái tên “Pleiku”. Bởi nếu nghiên cứu kỹ ta thấy cả hai truyền thuyết này đều chưa thuyết phục về nguồn gốc, vì người Jrai không đặt tên làng theo sự kiện mà chỉ đặt theo tên sông, núi, phương hướng, cây cối... hoặc theo tên người lập làng.
Đường phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Đường phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, có một chi tiết có thể làm căn cứ đưa ra một giả thuyết về cái tên “Pleiku” thuyết phục hơn: “Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr”. 
Phân tích cách viết tên “Plei-Kou-Derr”, tên “Pleiku” ngày nay là được viết từ việc biến đổi cách viết “Plei-Kou”. Còn cái đuôi “Derr”, tra từ điển Pháp-Việt, không có từ “Derr”. Như vậy, “Derr” ở đây chính là một yếu tố của từ tiếng Jrai. Cái tên “Plei-Kou-Derr” có thể đây chính là từ “Plơi Kơdưr” được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp.
“Plơi” tiếng Jrai nghĩa là “làng”. Còn “Kơdưr” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “hướng Bắc”, nghĩa thứ hai là “trên cao”. Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jrai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jrai. Như vậy, “Plơi Kơdưr” nghĩa là “làng Bắc” hoặc “làng thượng” (trên cao). Về việc phiên tự “Kơ” thành “Kou” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ơ” như ngày nay nên người ta dùng hai ký tự “ou” để đọc là “ơ”. Còn “Dưr” được viết thành “Derr” có thể là do lúc đó chưa có ký tự “ư” nên viết thành “e”.
Theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 24-5-1925, địa lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay. Từ làng gốc Pleiku, sau này còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Ngó, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang… 
Về gốc gác cái tên Plei Ku Roh (hiện nay là khối phố 50, phường Yên Đổ), xưa kia làng này ở tại Trung tâm Thương mại Pleiku hiện nay (khu đường Hai Bà Trưng). Đến thời Pháp thuộc, có một đồn lính Pháp bên cạnh làng. Mỗi khi có đám tang hoặc lễ hội thì dân làng lại mang chiêng trống ra đánh thâu đêm suốt sáng. Không chịu được, lính Pháp đã gây sự với dân làng. Để tránh sự quấy rối của Pháp, dân làng đã dời làng đến chỗ ở ngày nay với cái tên là Plei Ku Roh. “Roh” trong tiếng Jrai là “ngoài biên”, đặt tên “Plei Ku Roh” vì làng đã được dời ra ngoài.
Một số hộ chuyển đến ở phía Đông của làng cũ nên đặt tên làng là “Plei Ku Ngó”. “Ngó” trong tiếng Jrai là “phía Đông”. Còn cái tên làng “plơi Ku Tong, plơi Ku Blang, plơi Ku Jut”, thì “Tong” được nói tắt từ “Tong yong” có nghĩa là “trung tâm”, “ở giữa”; “Blang” có nghĩa là “cây gạo”; “Jut” có nghĩa là “cây trúc”.
Kpă Pual (Phó Trưởng ban Giáo dục Dân tộc, Sở GD-ĐT Gia Lai)
Nguồn: http://www.baogialai.com.vn/

Pleiku dưới góc nhìn lịch sử địa danh



"Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn… "

Pleiku hiện là tên của một trong hai cao nguyên rộng lớn nhất Tây Nguyên, đồng thời cũng là tên của thành phố tọa lạc trên chính cao nguyên này, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Bắc Tây Nguyên. Địa danh có nguồn gốc từ tên của một làng Jrai (plơi Aku). Trong tiếng Jrai, aku có nghĩa là cái đuôi, vì nguyên âm a đứng trước một phụ âm là âm câm, nên khi đọc nó không được thể hiện. Đến nay, mặc dù viết là Pleiku nhưng địa danh này vẫn được thống nhất hiểu là có nguồn gốc từ plơi Aku tức làng Đuôi.
Hiện, địa danh Pleiku được viết nhiều cách khác nhau. Ngoài cách viết quen thuộc làPleiku như trong các văn bản từ thời thuộc Pháp, dưới chính quyền Sài Gòn (VNCH) và hiện địa phương vẫn sử dụng; còn có cách viết theo phiên âm tiếng Việt là Plây Cu; cũng có người đề nghị viết tách ra là Plei Ku với lý giải Plei là làng, Ku là cái đuôi. Trong logic lịch sử ngôn ngữ tộc người thì cách viết này không phù hợp. Vì plei / pơlei là danh từ chung chỉ làng của người Bahnar, mà bộ phận dân cư chủ yếu trên cao nguyên Pleiku lại là người Jrai, mà người Jrai thì lại gọi làng của mình là plơi chứ không phải là plei; có ý kiến đề nghị cách viết Plơi Aku nhưng không phổ biến.

Lần giở lịch sử ta biết: Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: đem vùng miền núi phía tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr tỉnh lỵ đặt tại làng Jrai Pleikou. 
Nhưng gần 2 năm sau đó, Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907 đã xoá tỉnh Plei-Kou-Derr. Đất đai của tỉnh này được chia 2 phần, một phần nhập vào tỉnh Bình Định, một phần nhập vào tỉnh Phú Yên.
Theo Nghị định Toàn quyền ngày 24-5-1925, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Ngày 03-12-1929 theo Nghị định Khâm sứ Trung kỳ, thị xã Pleiku đã được thành lập. Gần 3 năm sau đó, ngày 24-5-1932 và ngày 4-03-1933 Nghị định Toàn quyền tiếp tục tách phần đất thuộc đại lý Pleiku cũ (thuộc tỉnh Kon Tum) để thành lập tỉnh Pleiku.
Ngày 27-7-1953 Nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam(VNCH) đặt trung tâm các tỉnh thuộc Hoàng triều cương thổ phía Nam (các tỉnh thuộc Tây Nguyên hiện nay - TG chú thích) thành thị trấn. Pleiku cùng Dran, Djiring, Blao, Ban Mê Thuật, Kon Tum đều là thị trấn.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) chính quyền Sài Gòn vẫn lấy Pleiku làm tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên.
Ngày 26-01-1957 Nghị định số 27-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ VNCH bãi bỏ nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, các thị trấn được đổi thành xã, thị xã Pleiku trở thành xã Pleiku .
Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Pleiku vẫn được gọi là thị xã, nhưng nằm trong xã Hội Thương - Hội Phú . Từ năm 1962, chính quyền Sài Gòn mới quy hoạch mở rộng thị xã này.
Như vậy: Từ năm 1932-1975, dưới thời thuộc Pháp cũng như chính quyền Sài Gòn, Pleiku là tên tỉnh, đồng thời có giai đoạn là tên thị trấn, thị xã nhưng trực thuộc xã (chứ không phải là cấp hành chính thị xã tương đương quận, huyện hiện nay) và luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku.
Sau tháng 3 năm 1975, Pleiku là tên thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai (trước và sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum), và tỉnh Gia Lai - Kon Tum (trong thời gian nhập tỉnh 1976-1991). 
Ngày 24-4-1999 theo Nghị định số 29/NĐ của Chính phủ, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai.
Theo Quyết định số: 249/QĐ-TTg, ngày 25-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại II. Đây là đô thị trung tâm của Bắc Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng với diện tích hơn 26.000 ha, dân số hơn 236.000 người thuộc 28 dân tộc.

Về nguồn gốc địa danh Pleiku, hiện có 2 truyền thuyết:
 Truyền thuyết thứ nhất do Rơmah Del sưu tầm và dịch: 
Ngày xưa ở làng Brel có 2 gia đình gả con cho nhau. Theo đúng tục lệ của người Jrai, sau khi lấy vợ, người chồng phải về ở rể suốt đời nên khi làm lễ cưới cô dâu phải lo mọi lễ vật.
Cưới được mấy hôm, cô dâu phải làm lễ tạ ơn cha mẹ chồng. Nàng giết một con lợn rất to và một con trâu đực. Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn. Khi bày lễ vật ra cúng, không có đuôi lợn, người nhà lật đật xuống dưới gọi lũ thanh niên giết lợn khác. Nhưng cũng như lần trước, lần này vì quá đói chúng lại ăn mất cái đuôi. Cứ như thế, lục đục mãi đến tối buổi lễ mới bắt đầu.
Để trừng phạt lũ thanh niên đã ăn vụng đuôi lợn, già làng đặt tên làng này là plei Ku nghĩa là “cái đuôi” với dụng ý mỗi khi gọi đến tên làng thì bọn thanh niên phải xấu hổ vì hành động của mình.
Từ làng gốc đó, sau này plei Ku còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang…
 Truyền thuyết thứ hai (do  Ty Thông tin tỉnh Pleiku (VNCH) sưu tầm và công bố vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX):
Nhân một ngày hội lớn, người Jrai quần tụ quanh nhà rông để tộc trưởng cúng yang. Giữa lúc dân làng đang vui mừng nhảy múa quanh con trâu cúng yang, thì xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 con trai tộc trưởng. Họ tranh nhau cái đuôi trâu, bởi theo phong tục của người Jrai, nếu ai chiếm được đuôi trâu để tế Trời - Đất là một vinh dự lớn.
Cuối cùng, người chiếm được đuôi trâu được lưu lại vùng đất này và đặt tên làng là Aku (cái đuôi) với dụng ý đề cao chiến thắng của mình. Người không chiếm được đuôi trâu phải dạt đi, lập các làng mới.
Chúng tôi thiên về cách giải thích theo truyền thuyết thứ hai. Vì trên thực tế, các địa danh thường đề cao uy danh của cộng đồng, chứ không mấy khi gắn với những nguồn gốc bất lợi cho uy tín của bộ phân cư dân chủ thể.
Pleiku đã trở thành một địa danh tồn tại độc lập suốt gần một thế kỷ. Dù bắt đầu từ nghĩa gốc plơi Aku tức là làng đuôi, nhưng đến nay Pleiku đã được chấp nhận như một tên riêng và mang tải những giá trị riêng của nó. Lịch sử luôn vận động, mà lịch sử của các địa danh cũng không là ngoại lệ. Vậy hãy để cái tên Pleiku đã gắn với cả quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này được tồn tại như nó đã tồn tại với tư cách là một địa danh - một tên riêng, với những giá trị lịch sử - văn hóa riêng chứ không đơn thuần chỉ được hiểu với nghĩa “Làng Đuôi”.
  Nguyễn Thị Kim Vân
Theo pleikucafe

Pleiku - Xanh thông



Tôi đi học xa. Mấy năm sau trở về, bên đường Lê Lợi không còn thông, các khu khác thông cũng vợi đi từng mảng. Hụt hẫng chới với như vật báu gì của mình bị mất. Pleiku lên thành phố, hàng muồng hoa vàng bên đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ ra đi. Bao nhiêu chỗ đất của thông nhường chỗ cho nhà lầu, khu vui chơi, khách sạn… 

Đường Trần Hưng Đạo là con đường đẹp nhất nhì của Pleiku (đường Trịnh Minh Thế, trước 1975). Ngày trước, hai bên đường toàn cây cổ thụ tán giao nhau, quanh năm tỏa bóng. Mỗi lúc đi qua con đường ấy, có cảm giác như đang chui vào một cái hang xanh rợp mát. Mỗi mùa đường Trần Hưng Đạo lại có một vẻ đẹp riêng. Thích nhất là mùa hoa vàng rụng như tấm thảm trên mặt đường. Đầu mùa mưa - hơi sợ một chút - nhiều sâu lắm, sâu cong mình bò lổm ngổm trên đất, sâu đánh đu trên những sợi tơ lơ lửng ngay tầm mắt người đi đường. Nắng lên, những chú sâu ấy lại hóa đàn đàn lũ lũ bướm vàng nô giỡn tung tăng, đậu cả lên cổ lên vai khách bộ hành.
Thông non bên đường Trần Hưng Đạo hôm nay. Ảnh: pleikucafe.com

Tôi đã lớn lên ở cái thị xã  cao nguyên nhỏ bé rợp bóng cây xanh này. Muồng  hoa vàng, khuynh diệp,… cây nào cũng vạm vỡ, phóng khoáng, tràn trề. Nhưng nhiều nhất vẫn là thông, yêu nhất vẫn là thông. Thông vi vút khắp nơi. Nhà cửa, đường đi êm đềm nép dưới bóng thông - những  cây thông to lớn, vững chãi và kiêu hãnh. Bọn trẻ chúng tôi tha thẩn dưới gốc thông, nhặt lá thông ngồi tết như tết tóc, nhặt quả thông rụng làm con công con gà, cái hoa cái nụ mà chơi, nhìn quả chi chít trên cành ước gì nó ngọt mềm. Chiều tà chỉ nhau ngóc cổ nhìn đám sương tím mờ giăng mắc giữa tán thông xanh, đến mùa thông thắp nến thì tranh nhau xí cây thông có dàn nến đẹp, mơ màng tưởng tượng bữa dạ tiệc thần tiên của những người khổng lồ thắp sáng bằng những búp thông non, mặc kệ bên lề đường những bóng người nhỏ bé lặng lẽ quét lá thông về đun nấu. Không phải đứa nào trong đám trẻ ngày xưa cũng được học hành đến nơi đến chốn, nhưng đứa nào lớn lên cũng có chút vốn liếng đời sống tâm hồn, lưu lạc đến góc bể chân trời nào cũng tha thiết yêu cái thị xã êm đềm thuở nhỏ. Phải chăng một phần nhờ những hàng thông? Đọc sách biết rằng cây thông có khả năng sát trùng, thanh lọc không khí rất tốt. Thảo nào ở gần thông thấy dễ chịu đến thế. Cái màu trời xanh trong suốt, dịu lành êm ái đặc biệt của Pleiku xưa có phải một phần cũng nhờ những hàng thông?
Nhiều biệt thự đẹp đang mọc lên giữa các rừng thông thuộc khu vực du lịch… Măng Đen - Kon Tum. Ảnh: pleikucafe.com

Hàng xóm nhà tôi có nghề cưa cây, sân nhà bác ấy khi nào cũng có những khúc gỗ thông rất lớn. Chúng sẽ được chẻ ra làm củi ngo, bán từng bó nhỏ cho người ta nhóm bếp. Mùi gỗ thông từ sân nhà bác ấy tỏa ra khắp xóm, thành một thứ hương khó quên ướp thơm cả một quãng đời. Bác hàng xóm lấy thông từ nơi nào xa lắm và chẳng khi nào mong bán được nhiều củi ngo: “Bất đắc dĩ thì phải làm thôi, chứ chặt một cây thông tiếc đứt cả ruột. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt đấy”. Bao năm người Pleiku nhóm bếp củi ngo mà những cây thông trong phố của chúng tôi vẫn không hề mất.
Đà Lạt vốn được coi là xứ sở ngàn thông. Người Đà Lạt tự hào về những rừng thông chập chùng không dứt. Tôi đã cam đoan với người Đà Lạt bằng một niềm hãnh diện không cần giấu giếm rằng tìm khắp Đà Lạt cũng không thể có  những cây thông già hoành tráng, đẹp đẽ như những cây thông ba lá ở Pleiku.
Tôi đi học xa. Mấy năm sau trở về, bên đường Lê Lợi không còn thông, các khu khác thông cũng vợi đi từng mảng. Hụt hẫng chới với như vật báu gì của mình bị mất. Pleiku lên thành phố, hàng muồng hoa vàng bên đường Trần Hưng Đạo lặng lẽ ra đi. Bao nhiêu chỗ đất của thông nhường chỗ cho nhà lầu, khu vui chơi, khách sạn… Pleiku của mình mà bỗng thành kẻ lạ. Vắng thông, Pleiku như cô thôn nữ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Rồi một ngày đẹp trời, nghe bảo thông đã được trồng lại, bao nhiêu người vui mừng. Có người ngày nào cũng đáo qua đường Trần Hưng Đạo rồi ra những thông báo cập nhật về thông bên bàn cà phê mỗi sáng. Một mùa mưa qua, những cây thông đã bén rễ xanh chồi, hàng thông nhỏ vẫn bồi hồi thắp nến. Pleiku đang lấy lại nét duyên riêng. Báu vật cao nguyên đang chậm rãi trở về.

Trương Lệ Hằng
Theo pleikucafe

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Les visages de Tay Nguyen - Những Khuôn mặt Tây Nguyên


Les visages de Tay Nguyen

Les visages de Tay Nguyen (Những Khuôn mặt Tây Nguyên) -  sưu tập một số hình ảnh của Henri Maitre, một nhà nhân chủng học người Pháp. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, chàng thanh niên Henri Maitre trẻ trung, đầy hiếu kỳ về vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam đã đồng ý thực hiện một sứ mệnh thăm dò do chính quyền thực dân đề xuất. Trong cuộc hành trình của mình (1905 - 1911), ông đã thu thập và chọn lọc một số lượng lớn thông tin về các khu rừng và các dân tộc trong khu vực Tây Nguyên. Nghiên cứu dân tộc học này sau đó đã được xuất bản dưới tên Les Jungles Moi và đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề "Rừng người Thượng". Video sau đây được thực hiện từ những hình ảnh của Henri Maitre.




(Nguồn: Youtube)

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Giới thiệu Gia Lai



Giới thiệu chung về tỉnh Gia Lai


Diện tích: 15.536,9 km2

Dân số: 1.213.750 người (số liệu thống kê năm 2008)

Mã vùng: 84 - 059

Tỉnh lỵ: Thành phố Pleiku.

Thành phố: Pleiku.

Thị xã: An Khê, Ayun Pa.

Các huyện: Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Krông Pa, Kông Chro, Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh.

Dân tộc: Việt (Kinh), Jrai, Bahnar,...

Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21o - 25oC. Vùng tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 - 2.500 mm, vùng đông Trường Sơn từ 1.200 -1.750 mm.
Bản đồ chi tiết
Bản đồ hành chính tỉnh Gia Lai

Vị trí địa lý-Địa danh và địa giới hành chính

Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800 m so với mực nước biển. Với diện tích 15.536,92 km², tỉnh Gia Lai trải dài từ 12°58'20" đến 14°36'30" vĩ bắc, từ 107°27'23" đến 108°54'40" kinh đông. Phía bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đak Lak, phía tây giáp Cam-pu-chia với 90km là đường biên giới quốc gia, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
         
 Khí hậu

Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, một năm có hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình từ 2.200 đến 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 đến 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 22-25ºC.
Cửa ngõ TP. Pleiku về đêm. Ảnh: Nguyễn Giác
Cửa ngõ TP. Pleiku về đêm. Ảnh: Nguyễn Giác
Địa danh và địa giới hành chính

Vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai , Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây nguyên, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.

Vùng đất tỉnh Gia Lai ngày nay là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc Jrai , Bahnar có tập quán sống thành từng làng. Trước khi người Pháp đặt ách đô hộ lên Tây nguyên, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp.

Từ những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập khu vực cư trú của người Bahnar thuộc xã Hà Tây - huyện Chư Păh và xã Hà Đông - huyện Đak Đoa ngày nay để truyền đạo. Theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp ngày càng tiến sâu vào Bắc Tây Nguyên tạo nên những xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị, dựa vào nhóm này để chống nhóm khác, chia rẽ Kinh - Thượng, chia rẽ các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực với nhau.

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24 - 5 - 1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương.

Đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tỉnh Pleiku có: thị xã Pleiku (thành lập ngày 3 - 12 - 1929 theo Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ), huyện An Khê, huyện Pleikli, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai.

Tháng 6 - 1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và gọi tên của tỉnh là Pleiku. Từ năm 1946 - 1954, tỉnh Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung trải qua nhiều lần chủ thể cai quản theo các văn bản của chính quyền thực dân và chính phủ bù nhìn.

Về phía chính quyền cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tên tỉnh vẫn giữ là Gia Lai nhưng qua từng thời điểm khác nhau, tỉnh Gia Lai lại thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan khác nhau trong khu vực, các huyện trong tỉnh cũng nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính.

Đối với chính quyền Sài Gòn, mặc dù từ năm 1954 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tên tỉnh vẫn gọi là Pleiku, nhưng diện mạo của tỉnh đã nhiều lần thay đổi.

 Về phía chính quyền cách mạng, từ năm 1954 - 1975 vẫn giữ tên tỉnh là Gia Lai, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Ngày 20 - 9 - 1975, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh có tên gọi là Gia Lai - Kon Tum.

Ngày 12 - 8 - 1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá VIII, Gia Lai - Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới.

Đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố: 17, gồm 1 thành phố trực thuộc, 2 thị xã và 14 huyện.

Đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: 222,  gồm 24 phường, 12 thị trấn và 186 xã.   

Điều kiện xã hội

Dân số

Dân số tỉnh Gia Lai có 1.213.750 người (số liệu thống kê năm 2008) bao gồm 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Việt (Kinh) chiếm 52% dân số. Còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Bahnar (13,7%), Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường...

Hội Làng- Mừng lúa mới của dân tộc Bahna, Kông Chro, Gia lai. Ảnh Nguyễn Giác
Hội Làng- Mừng lúa mới của dân tộc Bahna, Kông Chro, Gia lai. Ảnh Nguyễn Giác
Cư dân Gia Lai có thể chia làm hai bộ phận: Bộ phận cư dân bản địa đã sinh sống ở Gia Lai từ lâu đời gồm dân tộc dân tộc Jrai và Bahnar, bộ phân cư dân mới đến bao gồm người Việt và các dân tộc ít người khác.    

Người Việt đầu tiên đến sinh sống ở khu vực An Khê (phía đông bắc của tỉnh) từ cuối thế kỷ XVII. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XIX, người Việt định cư tại Gia Lai vẫn rất thưa thớt và cũng chỉ tập trung ở khu vực An Khê.

Trong thời thuộc Pháp, vào những năm 1923 - 1945, chính quyền thực dân đưa một bộ phận người Việt từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung lên làm công nhân trong các đồn điền chè, cà phê và các công trường làm đường dọc quốc lộ 19 và 14.
Thác Phú Cường, Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác
Thác Phú Cường, Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác
Từ năm 1954 trở về sau, dân số người Việt ở Gia Lai tăng nhanh do nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức của chính quyền Sài Gòn, dân di cư miền Bắc vào năm 1954, chính sách cưỡng ép đồng bào miền Trung lên các khu dinh điền.

Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), Đảng và Nhà nước ta đã chuyển một số lượng lớn đồng bào người Kinh từ miền Bắc và miền Trung lên xây dựng kinh tế, quốc phòng, điều động cán bộ bổ sung cho Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, làm cho số lượng người Kinh ở Gia Lai tăng lên nhanh chóng.

Dân tộc Jrai (Jơrai, Jarai, Gia Rai) là một trong 5 tộc người (Jrai, Ê Đê, Chăm, Raglai, Chu Ru) Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - Polinesien) hiện đang sinh sống trên vùng đất nam Trường Sơn và đồng bằng ven biển Trung Bộ. Địa bàn cư trú là từ nam Kon Tum đến bắc tỉnh Đăk Lăk (theo chiều bắc - nam) và từ tây bắc tỉnh Phú Yên đến vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia (theo chiều đông - tây). Trong khu vực cư trú này, Gia Lai là địa bàn người Jrai sinh sống tập trung nhất. Khu vực cư trú chính  là phía tây cao nguyên Pleiku (thuộc các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, thành phố Pleiku) và vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc ở phía đông nam tỉnh (thuộc thị xã Ayun Pa và các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa).

Với số lượng dân cư chiếm ưu thế trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, ý thức về tộc người và vùng lãnh thổ tộc người khá rõ, lại sinh sống trên địa bàn án ngữ các đầu mối giao thông huyết mạch nối bắc Tây Nguyên với các tỉnh ven biển nam Trung Bộ nên người Jrai ở Gia Lai chiếm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng. Đây là bộ phận dân cư đã có những đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh. Trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước những tên người như nhà giáo Nay Đer, anh hùng Kpa Ó, anh hùng Kpui Thu...đã đi vào lòng đồng bào Tây Nguyên và cả nước.
Tháng 3- Tây Nguyên. Ảnh: Gia Lai
Tháng 3- Tây Nguyên. Ảnh: Gia Lai
Dân tộc Bahnar (Bơhnar, Ba Na) là một trong những dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme. Địa bàn cư trú chủ yếu là nam tỉnh Kon Tum, bắc và đông tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, còn có một bộ phận người Bahnar sống rải rác ở các huyện phía tây của tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, khu vực cư trú tập trung của người Bahnar là phía đông cao nguyên Pleiku (thuộc các huyện Mang Yang, Đak Đoa, phía bắc huyện Chư Pah), trên cao nguyên Kon Hơnờng (thuộc huyện Kbang), vùng trũng An Khê (thuộc các huyện Đak Pơ, Kông Chro, đông bắc thị xã An Khê).

Người Bahnar ở Gia Lai có truyền thống cách mạng lâu đời. Trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, Tỉnh uỷ Gia Lai đều chọn khu vực cư trú của người Bahnar để xây dựng thành vùng căn cứ cánh mạng nên ảnh hưởng của cách mạng đến với người Bahnar khá sớm. Anh hùng Núp, anh hùng Wừu của dân tộc Bahnar hiện không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Tây Nguyên, mà còn là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam.

Ngoài các dân tộc nêu trên, tính đến năm 2005, Gia Lai có 915 người Hoa mà tổ tiên của họ có mặt ở Gia Lai từ những ngày đầu thành lập thị xã, thị trấn.

Từ năm 1954 đến nay, Gia Lai còn tiếp nhận một bộ phận đồng bào các dân tộc ít người từ miền Bắc vào theo hai đợt chính. Đợt thứ nhất vào năm 1954 và đợt thứ hai trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (cuối thập niên 70 của thế kỷ trước). Đến cuối năm 2006, Gia Lai có 23.770 người là đồng bào các dân tộc ít người không thuộc bộ phận các cư dân bản địa, chiếm 2,04% dân số toàn tỉnh.
Nguồn: LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI 1945 - 2005

Giới thiệu Lâm Đồng





Giới thiệu chung 


Lâm  Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên nhiều hứa hẹn, nằm ở độ cao trung bình từ 800 – 1000m so với mặt nước biển. Với diện tích tự nhiên 9.765 km2, Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn.
Gắn với khu vực kinh tế động lực phía Nam, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) và 10 huyện. Thành phố Đà Lạt, trung tâm hành chính-kinh tế-xã hội của tỉnh, về hướng Bắc cách thủ đô Hà Nội 1.500 km, về hướng Nam cách thành phố Hồ Chí Minh 320 km và về hướng Đông cách cảng biển Nha Trang 210 km. Với tổng chiều dài 1.744 km, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ đã đến được tất cả các xã và cụm dân cư. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28 nối liền Lâm Đồng với vùng Đông nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tạo cho Lâm Đồng có mối quan hệ kinh tế-xã hội bền chặt với các vùng, các tỉnh trong khu vực. Cảng hàng không Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 30 km đang được nâng cấp thành sân bay quốc tế với đường băng dài 3.250 m có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A.320, A.321 hoặc tương đương.
Nguồn điện cung cấp ổn định, gồm nhà máy thuỷ điện Đa Nhim (công suất 160 MW), thủy điện Suối Vàng (công suất 3,1 MW), thuỷ điện Hàm thuận-Đạ Mi (công suất 475 MW) và thuỷ điện Đại Ninh (công suất 300 MW), các nhà máy điện diesel Bảo Lộc, Di Linh, Càn Rang với tổng công suất 4,16 MW. Hiện nay 100% số xã có điện đến trung tâm. Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông hiện đại đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các nhà đầu tư.
Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2007 là 1.198.261 người (Niên giám Thống kê năm 2007). Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 trường đại học tổng hợp, 02 trường cao đẳng sư phạm, 01 trường trung học y tế, 01 trường trung học kinh tế-kỹ thuật, 02 trường dạy nghề, hàng năm cung cấp hàng ngàn lao động có tay nghề cho địa phương; Nhiều trung tâm nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu cây rau, Phân viện sinh học… góp phần đáng kể trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh.
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình 18-250C, thời tiết ôn hoà mát mẻ quanh năm. Lượng mưa trung bình 1750-3150 mm, độ ẩm tương đối trung bình  cả năm 85-87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1890-2500 giờ.
Toàn tỉnh có khoảng 255.407 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày. Diện tích trồng chè và cà phê khoảng 145.000 ha, diện tích sản xuất rau, hoa khoảng 23.783 ha tập trung tại Dalat, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; Chè, cà phê, rau, hoa Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, có những loại có giá trị phẩm cấp cao.


Điều kiện tự nhiên 
Vị trí địa lý

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên có độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mặt nước biển với diện tích tự nhiên 9.772,19 km2; địa hình tương đối phức tạp chủ yếu, là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về  khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật ... và những cảnh quan kỳ thú cho Lâm Đồng.
- Phía đông giáp các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận
- Phía tây nam giáp tỉnh Đồng Nai
- Phía nam – đông nam gáp tỉnh Bình Thuận
- Phía bắc giáp tỉnh Đắc Lắc
Lâm Đồng nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn. Toàn tỉnh có thể chia thành 3 vùng với 5 thế mạnh: Phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi  gia súc.
Địa hình
Đặc điểm chung của Lâm Đồng là địa hình cao nguyên tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về  khí hậu, thổ nhưỡng, thực động vật ... và những cảnh quan kỳ thú cho Lâm Đồng.
Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bậc khá rõ ràng từ bắc xuống nam.
- Phía bắc tỉnh là vùng núi cao, vùng cao nguyên Lang Bian với những đỉnh cao từ 1.300m đến hơn 2.000m như Bi Đúp (2.287m), Lang Bian (2.167m).
- Phía đông và tây có dạng địa hình núi thấp (độ cao 500 – 1.000m).
- Phía nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc và bán bình nguyên.
Địa chất
Tham gia vào cấu trúc địa chất tỉnh Lâm Đồng bao gồm các đá trầm tích, phun trào, xâm nhập có tuổi từ Jura giữa đến Đệ Tứ. Các trầm tích, phun trào được phân ra 14 phân vị địa tầng có tuổi và thành phần đá khác nhau. Các đá xâm nhập trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng thuộc 4 phức hệ: Định Quán, đèo Cả, Cà Ná, Cù Mông.
Địa phận tỉnh Lâm Đồng nằm ở phía đông nam đới Đà Lạt. Đới này là một khối vỏ lục địa Tiền Cambri bị sụt lún trong Jura sớm – giữa và phần lớn diện tích đới bị hoạt hoá magma kiến tạo mạnh mẽ trong Mesozoi muộn và Kainozoi
Thổ nhưỡng
Lâm Đồng có diện tích đất 977.219,6 ha, chiếm 98% diện tích tự nhiên, bao gồm 8 nhóm đất và 45 đơn vị đất:
  • Nhóm đất phù sa (fluvisols)
  • Nhóm đất glây (gleysols)
  • Nhóm đất mới biến đổi (cambisols)
  • Nhóm đất đen (luvisols)
  • Nhóm đất đỏ bazan (ferralsols)
  • Nhóm đất xám (acrisols)
  • Nhóm đất mùn alit trên núi cao (alisols)
  • Nhóm đất xói mòn mạnh (leptosols)
Đất có độ dốc dưới 25o chiếm trên 50%, đất dốc trên 25o chiếm gần 50%. Chất lượng đất đai của Lâm Đồng rất tốt, khá màu mỡ, toàn tỉnh có khoảng 255.400 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, dâu tằm. Diện tích trồng chè và cà phê khoảng 145.000 ha, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà; diện tích trồng rau, hoa khoảng 23.800 ha tập trung tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng; chè, cà phê, rau, hoa ở Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, có những loại giá trị phẩm cấp cao. Đất có khả năng nông nghiệp còn lại tuy diện tích khá lớn nhưng nằm rải rác xa các khu dân cư, khả năng khai thác thấp vì bị úng ngập hoặc bị khô hạn, tầng đất mỏng có đá lộ đầu hoặc kết vón, độ màu mỡ thấp, hệ số sử dụng không cao... Trong diện tích đất lâm nghiệp, đất có rừng chiếm 60%, còn lại là đất trồng đồi trọc (khoảng 40%).
Khí hậu
Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, trong năm có 2 mùa rõ rệt; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh dao động từ 18 – 250C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm, thường ít có những biến động lớn trong chu kỳ năm..
Lượng mưa trung bình 1.750 – 3.150 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85 – 87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1.890 – 2.500 giờ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới. Đặc biệt Lâm Đồng có khí hậu ôn đới ngay trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình và nằm không xa các trung tâm đô thị lớn và vùng đồng bằng đông dân.
Thủy văn
Lâm Đồng là tỉnh nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước rất phong phú, mạng lưới suối khá dày đặc, tiềm năng thuỷ điện rất lớn, với 73 hồ chứa nước, 92 đập dâng.
Sông suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bố khá đồng đều, mật độ trung bình 0,6km/km2 với độ dốc đáy nhỏ hơn 1%. Phần lớn sông suối chảy từ hướng đông bắc xuống tây nam.
Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt mà hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn.
Các sông lớn của tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai.
Ba sông chính ở Lâm Đồng là:
  • Sông Đa Dâng (Đạ Đờng)
  • Sông La Ngà
  • Sông Đa Nhim
Hệ thống cung cấp nước
Hệ thống cấp nước đã hoàn thiện tương đối tốt, hiện có: nhà máy cấp nước Đà Lạt, công suất 35.000 m3/ngày-đêm hệ thống cấp nước thị xã Bảo Lộc, công suất 10.000 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước huyện Đức Trọng, công suất 2.500 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước huyện Di Linh, công suất 3.500 m3/ngày-đêm; hệ thống cấp nước huyện Lâm Hà, công suất 6.000 m3/ngày-đêm. Đồng thời với việc cấp nước, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt đang được hoàn thiện.
Dân tộc, dân cư
Dân số toàn tỉnh có đến 31/12/2005 là 1.169.851 người, trong đó dân số nông thôn 649.412 người, chiếm 61,47%. Mật độ dân số 118 người/km2
Lâm Đồng là miền đất hội tụ nhiều dân tộc anh, em trong cả nước với trên 40 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó đông nhất người Kinh chiếm khoảng 77%, đến nguời K’Ho chiếm 12%, Mạ chiếm 2,5%, Nùng chiếm gần 2%, Tày chiếm 2%, Hoa chiếm 1,5%, Chu-ru 1,5% ..., còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1% sống thưa thớt ở các vùng xa, vùng sâu trong tỉnh.
Lễ hội, rượu cần và dệt thổ cẩm là nét đặc trưng cho văn hóa dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng.
Lâm Đồng là vùng đất mới có sức thu hút dân cư trong cả nước đến lập nghiệp, quần thể dân cư ở đây chưa ổn định và liên tục biến động, hiện tượng di dân tự do trong những năm qua từ các tỉnh khác nhau trong cả nước hội tụ về Lâm Đồng tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn, bình quân hàng năm thời kỳ 2001-2005 có khoảng 5.000 người di cư tự do vào Lâm Đồng.



Lịch sử 
Vùng đất Lâm Đồng ngày nay từ lâu đã có con người sinh sống, mà hậu duệ của họ cho đến lúc bấy giờ là các cộng đồng người Mạ, Cơ Ho, MNông, Chu Ru, Rắc Lây,... Đến cuối thế kỷ XIX, các dân tộc bản địa có phương thức sản xuất chính là du canh du cư, đốt rừng làm rẫy, kinh tế mang tính chất tự cấp tự túc. Trồng trọt là ngành sản xuất chính, ngoài ra còn săn bắn hái lượm, chăn nuôi gia súc gia cầm, các ngành thủ công như dệt vải, rèn, đan lát mới bước đầu phát triển, giao lưu kinh tế còn rất hạn chế.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, luồng di dân từ các tỉnh miền Trung vào Lâm Đồng ngày càng nhiều cũng góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Cho đến giữa những năm 1960, Lâm Đồng có khoảng 8.000ha chè, sản lượng rau thương phẩm cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh miền Trung tương đối lớn. Đồng thời, chiến tranh cũng làm cho nông nghiệp không phát triển liên tục, diện tích đất canh tác bị thu hẹp. Với chính sách dồn dân lập ấp chiến lược, sản phẩm nông lâm nghiệp ngày càng giảm sút, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Trong thời kỳ này sản xuất công nghiệp tuy phát triển với mức độ cao hơn trước năm 1954 nhưng vẫn còn nhỏ bé, chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất điện nước, đồ sứ; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như chế biến mứt, rượu, làm đồ gỗ, đồ mỹ nghệ chỉ phát triển chủ yếu ở Đà Lạt, còn hầu hết các địa phương khác chưa phát triển.
Ta có thể điểm qua vài mốc Lịch sử Lâm Đồng qua các thời kỳ:
  • Ngày mồng 01 tháng 11 năm 1899, chính quyền Pháp lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut Donnai), tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring)
  • Năm 1903, bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh, do đại diện của Công sứ Bình Thuận cai trị
  • Năm 1913, nhập đại lý Đà Lạt với đại lý Di Linh, gọi chung là đại lý Di Linh và vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận
  • Ngày mồng 06 tháng 01 năm 1916: thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh Lâm Viên còn được gọi là Langbiang hay Lâm Biên
  • 31 tháng 10 năm 1920: xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt
  • Ngày mồng 8 tháng 01 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng chuyển về Di Linh
  • Ngày mồng 19 tháng 05 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, đồng thời tách một phần đất sáp nhập với thành phố Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 quận Bảo Lộc (Blao) và Di Linh. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng. Như vậy tỉnh Lâm Đồng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt bao gồm 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức do Việt Nam Cộng hòa đặt.
  • Tháng 2 năm 1976, sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng mới.

Giới thiệu Đăk Nông




Giới thiệu Đắk Nông

Đắk Nông là một tỉnh ở Tây Nguyên được thành lập từ năm 2004.Phía Bắc tỉnh Đắk Nông giáp Đắk Lắk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và Campuchia.
Địa hình & Khí hậu: 
Đắk Nông nằm ở phía Trung Bộ, đoạn cuối dãy Trường Sơn, trên một vùng cao nguyên, độ cao trung bình 500 m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng, có bình nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ trải dài về phía Đông.Phía Tây địa hình thấp dần, nghiêng về phía Campuchia, phía Nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ.  Có 3 hệ thống sông chính: sông Ba, sông Serepôk (các nhánh Krông Bông, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Nô...) và một số sông nhỏ khác, nhiều thác nước cao, thuỷ năng lớn.
Khí hậu vùng này tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm 24 °C, tháng nóng nhất và lạnh nhất chỉ chênh lệch trung bình 5 °C. Thời tiết và lượng mưa phụ thuộc theo mùa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiều gió và hơi lạnh, thời tiết khô hạn, nhiều khe suối khô cạn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm, lượng nước rất lớn, nhiều năm bị ngập lụt ảnh hưởng đến giao thông.
Những vét văn hóa đặc trưng:
Cũng như các tỉnh khác của vùng Tây Nguyên. Đắk Nông còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng rất độc đáo như sử thi Đam San, các luật tục cổ, kiến trúc nhà sàn, nhà rông và tượng nhà mồ còn chứa bao điều bí ẩn đầy hấp dẫn.
Đắk Nông có các loại nhạc cụ dân tộc từ lâu đời như: đàn đá, đàn T’rưng, đàn Klông phút, đàn nước, kèn, sáo…
Những điểm du lịch thú vị tại Đắk Nông
Thác Diệu Thanh:  Thác nằm ở địa phận Thôn 8, Xã Nhân Cơ, Huyện Đắk RLấp. Từ quốc lộ 14 đi vảo khoảng 5km, trước đây là đường đất, hiện tại đã làm đường nhựa khá dễ đi. Thác vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ.
Thác diệu thanh
Thác Diệu Thanh 
Thác Ba Tầng:  Thuộc huyện Đắk Nông, cách thị trấn Gia Nghĩa khoảng 8km theo quốc lộ 14 ngược hướng về Buôn Ma Thuột. Quanh thác Ba Tầng có nhiều cây cổ thụ và có bãi đất rộng bằng phẳng, thoáng mát để cắm trại thư giãn khi đến thăm thắng cảnh này.
Thác ba tầng
Thác Ba Tầng 
Thác Trinh Nữ:  Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25km về phía tây nam. Tương truyền, sở dĩ ngọn thác có cái tên đầy quyến rũ này là do bắt đầu từ một câu chuyện khá buồn: Một cô gái đang tuổi xuân thì, do trắc trở chuyện tình duyên đã tìm đến ngọn thác và quyết định gửi thân vào dòng nước bạc trắng xóa để quên đi nỗi đau khổ. Và như để tỏ lòng trắc ẩn, cảm thương cô gái xấu số kia cái tên Trinh Nữ đã được nguời đời đặt cho ngọn thác.
Thác trinh nữ
Thác Trinh Nữ 
Thác Đray Nur: Thác Dray Nur là ngọn thác lớn nhất Tây Nguyên. Cách thác Gia Long chừng 3km. Thác Đray Nur là một thác nước trên dòng sông Serepôk thuộc địa phận huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk. Đray Nu nghĩa là thác cái. Vì thế thác còn có tên là thác Vợ. Đray Nur nằm ngay cạnh thác Đray Sáp thuộc tỉnh Đăk Nông và chỉ cách Đray Sáp một đoạn cầu treo bắt qua dòng sông Serepôk. Cả hai cùng là những thác nước đẹp và hùng vĩ. Thác Đray Nur được ít người biết đến vì lầm tưởng nằm trong cụm thác Đray Sáp nhưng thực ra khi đến đây dòng sông Serepốk chia ra làm 2 nhánh nhỏ đổ xuống hai dòng thác và nhập lại ở phía dưới, cách đó không xa.
Thác rất đặc biệt vì phía sau làn nước đổ xuống có một hang động lớn, người ta có thể đi vào phía trong của dòng nước đổ xuống từ bên này sang bên kia mà không bị ướt...
Thác Thác Đray Nur
Thác Đray Nur 
Đặc sản Đắk Nông
Rượu Cần: Trong bất cứ lễ, tết nào, đồng bào Tây Nguyên cũng đều có nghi thức uống rượu cần. Rượu, theo họ tin tưởng, là do Trời (Yang) sai thần linh xuống trần dạy cho con người cách làm rượu đủ loại: từ gạo, mì, bắp cho đến bo bo, kê...để tế lễ các đấng tối cao trong năm. Rượu cần tuy nhẹ, dễ uống, nhưng uống nhiều, khách dễ bị đau đầu và có thể ngã lăn quay lắm...
Rượu cần
Rượu Cần 
Cơm Lam:  Đặc sản của vùng đất bazan ấy được làm từ gạo nếp ngâm lẫn với lá thơm đêm trước, cho vào ống nứa non, rồi mang đi nấu. Người ăn có thể cảm nhận cả mùi nếp thơm lẫn hương rừng trong miếng cơm lam. Nó chắc mà lại dẻo, bùi mà không cứng, ăn không biết ngán. Nhiều khi không có thức ăn kèm, người ta vẫn thấy rất rõ cái vị đậm đà của nó.
Cơm lam với thịt nướng
Cơm Lam với thịt rừng nướng 
Cà đắng:  Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được bà con trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh, màu xanh. Loại cà này có thể ăn sống nên trở thành món ăn khá hấp dẫn với những ai thích vị đắng. Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái nghe vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó. Cà đắng có mặt trong nhiều món ăn trong bữa cơm người dân tộc như cà đắng nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà đắng nấu ốc v..v... Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà đắng, bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.
Nguồn : Tổng hợp

Giới thiệu Đắk Lắk



Giới thiệu Đắk Lắk

Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc (theo tiếng Ê Đê: Đăk = nước; Lăk = hồ) là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp Đăk Nông, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 70 km. DakLak cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.

Địa hình & Khí hậu
Phần lớn địa bàn Đắk Lắk thuộc sườn phía tây nam dãy Trường Sơn nên địa hình núi cao chiếm 35% diện tích tự nhiên. Địa hình cao nguyên bằng phẳng nằm ở giữa tỉnh, chiếm 53% diện tích.Tuy là một tỉnh cao nguyên nhưng ở đây có đến trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ với 47.000 ha mặt nước, hiện tại Đăk Lăk đang giữ kỉ lục Việt Nam về tỉnh có nhiều hồ nhất
Thời tiết chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong mùa này độ ẩm giảm, gió Đông Bắc thổi mạnh. 
Những vét văn hóa đặc trưng
Môi trường này đã tạo nên trường ca Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu truyền miệng từ bao đời nay, làm ra con chữ riêng cho người Ê Đê, người M'Nông; làm nên đàn đá, đàn T'rưng, đàn K'lông pút độc đáo và làm nên biệt tài săn bắt, thuần dưỡng voi rừng củangười Buôn Đôn đứng đầu Đông Nam Á.
Daklak là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Đáng chú ý khi đến thăm Daklak là những ngôi nhà dài truyền thống theo huyền thoại có thể "dài như tiếng chiêng ngân" hoặc các bến nước của các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng đất này và ấn tượng với du khách bằng những sản phẩm gia dụng như bàn, ghế và cả thuyền độc mộc đẻo từ những cây rừng lớn nguyên vẹn...
Có Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng và Lễ hội cà phê đã được nhà nước công nhận và tổ chức đều đặn hàng năm như một giá trị truyền thống.
Đắc Lắc nhìn từ trên cao

Một góc Đắk Lắk nhìn từ trên cao.
Những điểm đến du lịch thú vị tại Daklak
Biệt điện Bảo Đại : nằm ngay trung tâm Buôn Ma Thuột, trong khuôn viên thoáng rộng và rợp bóng cổ thụ. Từng là nhà ở của công sứ Pháp, sau là nơi ở và làm việc của vua Bảo Đại. Ngôi dinh thự được xây dựng lại theo lối kiến trúc Tây Nguyên kết hợp hiện đại. Mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông. Khung cảnh yên ả , với cây xanh và hương hoa, những cây cổ thụ vươn cánh tay khổng lồ làm bóng mát, quanh năm có tiếng lảnh lót của những chú chim.
Biệt điện Bảo Đại\
Biệt điện Bảo Đại
Buôn Đôn: thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Tp. Buôn Ma Thuột 42km về phía tây bắc. Buôn Đôn từ lâu đã nổi tiếng không chỉ với cảnh quan của núi rừng, các phong tục mang đậm dấu ấn của vùng Tây Nguyên mà còn bởi truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.Với những cánh rừng tự nhiên trùng điệp; dòng sông Sêrêpôk hung dữ, nước đổ ầm vang núi rừng. Đến Buôn Đôn là dịp được cưỡi voi leo núi, lội suối, bơi sông; bạn cũng có dịp tham dự nhiều thú vui hấp dẫn chỉ có ở nơi đây: bắn nỏ, nướng cá, uống rượu cần; sống trong những căn nhà đơn sơ, ấm cúng dựng vắt vẻo trên các cây si cổ. Đặc biệt nếu bạn có mặt vào mùa xuân thì tháng ba là mùa lễ hội đua voi... Cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống bình dị nơi đây chắc sẽ làm du khách hài lòng với những ngày sảng khoái, thú vị.
Voi ở buôn đôn
Voi ở Buôn Đôn 
Thác Krong Kmar - Hồ trên núi : cách trung tâm huyện Krông Bông khoảng 2km, dưới chân dãy núi Chư Yang Sin là dòng thác hùng vỹ Krông Kmar. Kéo dài từ đỉnh núi xuống tận chân dãy Chư Yang Sin, thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin, thác Krông Kmar chia làm 3 tầng với vô vàn các tảng đá lớn nhỏ nằm xen hai bên thác. Cứ mỗi tầng hình thành một hồ chứa rộng với dòng nước xanh biếc. Nơi đây, vào mùa hè, bạn có thể ngâm mình dưới hồ để tận hưởng cảm giác mát lạnh dòng nước đầu nguồn, hưởng một bầu không khí trong lành và yên tĩnh. Nếu muốn khám phá đầu nguồn của dòng nước, bạn sẽ phải vượt qua ba tầng thác với những tảng đá khổng lồ cao hơn một tầng nhà. Tất nhiên nó không đơn giản chút nào và lại rất nguy hiểm nữa. Thi thoảng, chúng ta có thể gặp một vài chú voi của đồng bào ngang qua đây và hãy ghi lại những khoảnh khắc ấy bạn nhé.
Thác krong mak
Thác Krong Kmar 
Bảo tàng dân tộc Daklak: thuộc thành phố Buôn Ma Thuột. Bảo tàng dân tộc Daklak trưng bày các hình ảnh và hiện vật lịch sử, văn hóa đời sống của người dân tỉnh Daklak 
Bảo tàng Đắc Lắc nguy nga giữ níu rừng
Bảo tàng Daklak 
Hồ Lak:  với người dân Tây Nguyên, hồ Lak không chỉ mang lại giá trị kinh tế to lớn mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang dã và thi vị. Nhìn từ phía xa, hồ uốn khúc như một dải lụa thiên thanh, mềm mại và quyến rũ. Mặt nước hồ xanh thẳm như một chiếc gương khổng lồ, phản chiếu tất cả mọi cảnh vật xung quanh. Vào mùa mưa, nước hồ lên cao và trong vắt tạo ra một khoảng không gian rộng lớn.
Hò lác
Hồ Lak - Nguồn 
Đặc sản Daklak
Cà phê Buôn Mê Thuột: bất cứ ai khi đến với Buôn Ma Thuột đều muốn đem về cho mình một phần quà chính hiệu đóng mác “cà phê Buôn Ma Thuột”. Có rất nhiều hãng sản xuất cà phê nổi tiếng tại Buôn Ma Thuột như Trung Nguyên, Mêhycô, Nam Nguyên, An Thái …Để có một ly cà phê thơm ngon thì cần phải có thêm nhiều yếu tố như chất lượng hạt cà phê, nguyên liệu và hương liệu pha chế, ..trong đó kỹ năng pha chế là một yếu tố quan trọng tạo nên một ly cà phê thơm ngon.
Cà phê ban mê
Cà phê Ban Mê thơm ngon nổi tiếng. 
Cá bống kho riềng: cá được mang lên, còn tươi nhảy lao xao, con nào con ấy bé tròn, họ xả cho sạch nhớt trên mình và bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó đi đào lấy ít riềng rửa sạch giã nhỏ. Bây giờ chỉ còn việc bắc chảo cho nóng, và cho vào đó ít dầu ăn, hay mỡ đun cho sôi lên, cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã chuẩn bị sẵn. Mùi riềng, mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt...
Cá bống kho riềng
Cá bống kho riềng 
Nguồn: Tổng hợp